Skip to content

Bật mí một số mẹo vặt hay khi chế biến hải sản

Vũ Thị Như Hảo 02.01.20242 lượt xem

Hải sản là món ăn hấp dẫn và được nhiều người yêu thích với các phương pháp chế biến đa dạng. Hãy cùng tham khảo một số mẹo giúp bạn chế biến hải sản ngon hơn nhé!

Quá trình sơ chế

Quá trình sơ chế hải sản nếu không được thực hiện một cách tỉ mỉ và kỹ lưỡng, có thể dẫn đến sự xuất hiện của mùi tanh ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng hương vị của món ăn. Để khắc phục tình trạng này, Meonhe đã đưa ra một số mẹo mà bạn có thể áp dụng trong quá trình xử lý, sơ chế hải sản. 

Sơ chế cá

Quá trình sơ chế cá
Quá trình sơ chế cá

Để loại bỏ mùi tanh của cá, bạn có thể thực hiện theo một số cách sau đây:

  • Sau khi đã làm sạch cá, hãy ngâm chúng vào một dung dịch nước muối pha loãng hoặc nước vo gạo khoảng 15 phút sẽ làm giảm mức độ mùi tanh.

  • Chanh và giấm là hai loại nguyên liệu cũng có thể khử mùi tanh của cá. Pha một ít nước lạnh và giấm, sau đó thả cá vào ngâm khoảng 5 phút rồi sau đó rửa sạch lại với nước để làm giảm bớt mùi tanh hiệu quả. 

  • Bên cạnh đó, rượu trắng cũng có thể khử tanh mùi cá rất tốt. Đối với thịt cá đã được ướp gia vị, bạn cũng có thể cho một chút rượu trắng vào quá trình chế biến. Như vậy, không chỉ giúp loại bỏ mùi tanh khó chịu mà còn giúp cá chín mềm và ngon hơn. 

Sơ chế tôm

Quá trình sơ chế tôm
Quá trình sơ chế tôm

Hầu hết mọi người đều nghĩ rằng việc làm sạch và sơ chế tôm rất đơn giản. Nhưng thực tế quy trình lại không hề dễ dàng nếu bạn không biết đến một số mẹo sau: 

  • Sơ chế sạch tôm nhưng vẫn để nguyên con: Bạn đặt ngón trỏ và ngón cái tại khớp nối giữa đầu và thân tôm. Sau đó nhẹ nhàng gập đầu và cơ thể của tôm lại rồi sử dụng ngón cái để nhấn nhẹ vào khu vực đầu tại chỗ túi phân của tôm. Tiếp theo, loại bỏ túi phân và nhẹ nhàng kéo chỉ đen ở phần thân của tôm để hoàn tất quá trình. Sau công đoạn này bạn chỉ cần rửa sạch tôm như bình thường. 

  • Sơ chế tôm hùm: 

Bước 1: Giữ nguyên dây buộc và tiến hành dùng dao tách rời phần đầu và thân ra

Bước 2: Lật ngửa phần đầu và cắt đôi ra, dùng tay bẻ nhẹ nhàng tách ra nhưng không được tách rời nhau. 

Bước 3: Sử dụng kéo để cắt bỏ đi phần chân

Bước 4: Lật ngửa thân tôm, dùng dao cắt làm đôi ngay từ giữa bụng hướng lên đầu. Sau đó, quay ngược lại cắt từ phần bụng hướng xuống đuôi. Tiếp đến, cũng dùng tay bẻ nhẹ cho tách ra (nhưng không bị rời),loại bỏ phần chỉ trên lưng.

Sơ chế cua

Quá trình sơ chế cua
Quá trình sơ chế cua
  • Bước 1: Lật ngửa phần bụng dưới của con cua lên, bạn sẽ thấy một điểm lõm ngay chính giữa bụng cua.

  • Bước 2: Dùng dao nhọn chọc thẳng vào điểm chính giữa đó.

  • Bước 3: Lúc này, khi phần càng và chân cua đều duỗi thẳng ra và không cử động được, bắt đầu tháo phần dây buộc ra và vệ sinh cua.

  • Bước 4: Trong quá trình làm sạch cua, dùng bàn chải chà mạnh vào từng góc bên hông của cua để loại bỏ hoàn toàn bùn cát.

Sơ chế mực

Quá trình sơ chế mực
Quá trình sơ chế mực
  • Bước 1: Để sơ chế sạch mực ống, bạn hãy xả mực dưới vòi nước cho sạch trước. Sau đó, bạn túm chặt phần râu mực rồi kéo ra khỏi thân của con mực. Khi bạn kéo dứt khoát thì phần ruột, túi mực cũng sẽ bị kéo luôn ra ngoài. Phải cẩn thận ở bước này vì nếu sơ sảy làm cho túi mực bị vỡ thì mực sẽ bị đen và ăn bị đắng. 

  • Bước 2: Sau khi đã loại bỏ phần ruột, túi mực và râu khỏi thân, bạn tiếp tục quá trình bóc hết xương sống mực. 

  • Bước 3: Sử dụng một chiếc dao, thực hiện một cú rạch dọc theo thân mực, sau đó mở rộng mực ra. Loại bỏ toàn bộ phần nội tạng còn sót lại và rửa sạch.

  • Bước 4: Tiếp theo, sử dụng dao khứa để tạo một đường trên lưng thân mực, tạo ra một lớp gờ. Sau đó, kéo mạnh phần da ra và loại bỏ nó. Cuối cùng bạn chỉ cần bóp muối nhiều lần và rửa kỹ để loại bỏ mùi tanh.

Sơ chế bạch tuộc

Quá trình sơ chế bạch tuộc
Quá trình sơ chế bạch tuộc
  • Bước 1: Rửa sạch bạch tuộc: Sau khi mua bạch tuộc về bạn nên rửa sạch với nước. Nếu là bạch tuộc đông lạnh bạn nên xử lý giã đông trước. Sau khi đã rửa sạch nên cắt bỏ hết xúc tua cho gọn. 

  • Bước 2: Loại bỏ nội tạng bạch tuộc: Bạn nên sử dụng một con dao nhỏ để khía phía sau màng bên trong ngay vị trí phía dưới đầu. Lật đầu ngược ra ngoài qua vết cắt mới tạo sau đó lôi ra và loại bỏ nội tạng, sau đó lật đầu lại vị trí ban đầu.

  • Bước 3: Rửa sạch bạch tuộc bằng nước muối: Sau khi loại bỏ phần nội tạng thì bạn nên rửa bạch tuộc với nước muối pha loãng để loại bỏ chất nhờn bề ngoài. Bạn cũng có thể sử dụng lá ổi để rửa vì chúng có tác dụng tuyệt vời trong việc khử mùi tanh của bạch tuộc. Đun sôi một ít lá ổi và để nguội, sau đó sử dụng để rửa bạch tuộc, biện pháp này giúp giảm mùi tanh một cách đáng kể.

  • Bước 4: Ướp bạch tuộc với gừng: Bước này bạn có thể làm hoặc không tùy theo ý thích và mong muốn của mình trong khi làm sạch bạch tuộc. Tuy nhiên, nếu bạn dùng một ít gừng đập dập để bóp với bạch tuộc thì chắc chắn mùi vị sẽ trở nên thơm ngon hơn rất nhiều. 

Sơ chế hải sản có vỏ

Sơ chế các loại hải sản có vỏ
Sơ chế các loại hải sản có vỏ
  • Đối với các loại hải sản có vỏ như ngao, sò, ốc,... quá trình sơ chế đòi hỏi một quy trình kỹ lưỡng. Sau khi mua về, bạn cần đem chúng đi rửa sạch để loại bỏ bất kỳ chất cặn, bã nhờn hoặc tạp chất nào có thể dính vào vỏ. Sau đó, để hải sản ngâm trong nước trong khoảng 3 - 5 giờ để chúng nhả hết bùn, cát và các chất bẩn bên trong. 

  • Trong quá trình ngâm, nếu bạn thấy nước trở nên đục hoặc bẩn, hãy thay nước nước mới để tiếp tục quá trình ngâm. Việc này giúp đảm bảo rằng hải sản không chỉ được làm sạch bề mặt mà còn loại bỏ những tạp chất có thể ảnh hưởng đến chất lượng và hương vị của món ăn cuối cùng. Quá trình này cũng làm cho hải sản trở nên tươi ngon và an toàn để chế biến. 

Chế biến hải sản

Chất lượng của món ăn từ hải sản không chỉ phụ thuộc vào việc chúng ta chọn hải sản tươi ngon mà còn liên quan đến cách chế biến chúng. Để đảm bảo rằng hải sản có đầy đủ hương vị và chất dinh dưỡng, Meonhe sẽ giới thiệu đến bạn một số phương pháp chế biến.

Cách chế biến hải sản sau khi đã bảo quản

Rã đông với muối và giấm

Đây là một cách rã đông hải sản hiệu quả với hai nguyên liệu dễ tìm thấy tại các khu chợ và đảm bảo an toàn cho sức khỏe gia đình. Phương pháp này không chỉ áp dụng cho hải sản mà còn cho nhiều loại thực phẩm khác. 

Mẹo giã đông hải sản cùng muối và giấm
Mẹo giã đông hải sản cùng muối và giấm
  • Giấm trắng: Giấm trắng không chỉ là một nguyên liệu dùng để làm đồ chua mà còn có tác dụng tăng tốc quá trình rã đông cho thịt. Đặc biệt, giấm trắng chứa axit axetic giúp nhanh chóng làm mềm thịt và tăng khả năng thấm nhanh chất lỏng vào bên trong.

  • Muối: Muối không chỉ có khả năng khử trùng, giúp loại bỏ vi khuẩn mà còn là chất xúc tác quan trọng kết hợp với giấm. Sự kết hợp này giúp tạo ra điều kiện thuận lợi cho quá trình rã đông diễn ra một cách nhanh chóng hơn.

Áp dụng cách này, bạn chỉ cần vài phút thay vì phải đợi cả ngày để hải sản tự rã đông. Bạn có thể thực hiện bằng cách đổ nước vào thau, sau đó thêm một muỗng muối và giấm và hòa tan chúng với nước. Tiếp theo, cho hải sản vào và đợi cho đến khi chúng rã đông hoàn toàn.

Rã đông trong ngăn mát tủ lạnh

Phương pháp này rất tiện lợi và dễ thực hiện với mọi gia đình. Bạn chỉ cần lấy thực phẩm từ ngăn đông và đặt chúng vào ngăn mát của tủ lạnh. Thường thì rã đông bằng ngăn mát của tủ lạnh thường mất khoảng 4-5 giờ. Tuy nhiên, ưu điểm của phương pháp này là hải sản ít bị vi khuẩn xâm nhập và vẫn có thể lưu trữ thêm từ 3-5 ngày, phù hợp khi gia đình không sử dụng ngay sau khi rã đông.

Rã đông bằng ngăn mát tủ lạnh
Rã đông bằng ngăn mát tủ lạnh

Rã đông bằng lò vi sóng

Ngoài các phương pháp truyền thống như rã đông trong tủ lạnh thì chúng ta cũng có thể sử dụng lò vi sóng để rã đông hải sản. Đây là một phương pháp giúp tiết kiệm thời gian đáng kể, đặc biệt thích hợp cho những người muốn sử dụng ngay hải sản khi mới lấy ra từ tủ đông. 

Rã đông bằng lò vi sóng
Rã đông bằng lò vi sóng

Quy trình thực hiện khá đơn giản: bạn đặt hải sản lên đĩa sứ, đặt vào lò vi sóng và chỉnh các chế độ như lửa mặt trên/dưới, thời gian từ 4 - 6 phút (tùy thuộc vào loại lò vi sóng). Sau khi quá trình rã đông hoàn tất, bạn có thể lấy hải sản ra và bắt đầu quá trình chế biến. Phương pháp này vừa giúp rã đông hải sản trong thời gian ngắn vừa giảm thiểu cơ hội cho vi khuẩn xâm nhập. 

Một số phương pháp chế biến hải sản phổ biến

Hấp

Hấp là một phương pháp nấu ăn bằng cách sử dụng sức nhiệt từ hơi nước. Phương pháp chế biến này được biết đến với việc giữ lại hầu hết các dưỡng chất có lợi cho sức khỏe có trong thực phẩm vì chúng không bị mất vào nước trong quá trình chế biến. Quy trình thực hiện đơn giản, chỉ cần sơ chế và rửa sạch nguyên liệu, sau đó đặt chúng vào nồi hấp với thời gian phù hợp (có thể tẩm ướp gia vị nếu cần) và mang ra trang trí, sẵn sàng để thưởng thức. Ngoài ra bạn có thể cho thêm một số nguyên liệu như gừng, sả,... giúp làm giảm mùi tanh và hải sản sẽ thơm ngon hấp dẫn hơn. 

Nướng

Nướng là một phương pháp chế biến hải sản phổ biến, giữ lại hương vị tự nhiên của nguyên liệu và tạo ra các món ăn thơm ngon, hấp dẫn. Tẩm ướp hải sản với gia vị theo khẩu vị cá nhân. Bạn có thể sử dụng các gia vị như muối, tiêu, ớt, tỏi, dầu ăn và nước mắm để tạo ra hương vị đặc trưng cho mỗi loại hải sản. Ngoài ra bạn có thể sử dụng các loại nước sốt để tẩm ướp hải sản trước khi mang lên nướng. Khi nướng bạn nên quan sát và điều chỉnh nhiệt độ cho phù hợp để đảm bảo có một đĩa hải sản ra lò ngon và bắt mắt. 

Xào

Xào là phương pháp làm chín thực phẩm nhanh bằng cách đảo thực phẩm qua lại nhiều lần trên chảo với một ít dầu mỡ. Đây là một phương pháp đơn giản hầu như ai cũng có thể tự làm tại nhà. Kỹ thuật xào yêu cầu sự linh hoạt và sự quan sát tỉ mỉ để điều chỉnh nhiệt độ phù hợp. Thời gian xào và làm chín nguyên liệu sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như loại nguyên liệu, kích thước, loại chảo sử dụng và cả mức độ nhiệt độ của lửa. Ngoài nguyên liệu là hải sản thì chúng ta có thể chuẩn bị một ít rau, củ, quả xào cùng để giúp cho món ăn trở nên hấp dẫn và ngon hơn. 

Trên đây là một số mẹo hữu ích trong việc sơ chế và chế biến hải sản tại nhà. Hi vọng với bài viết trên, bạn đã có thêm kiến thức và kĩ năng trong việc nấu các món ăn từ hải sản.

Đánh giá bài viết
1 bầu chọn /trung bình: 5