Skip to content

3 cách cải thiện suy nghĩ tiêu cực về bệnh tiểu đường

Admin 01.08.20205 lượt xem
Khi bạn lần đầu tiên phát hiện ra mình bị tiểu đường, điều này có thể khó tin và hơi giật mình đúng không? Bạn có thể nghĩ rằng đó là lỗi của mình đã ăn uống không kiêng kem, hoặc bạn cảm thấy tức giận vì cơ địa của mình chưa hoàn hảo, cũng có thể bạn sẽ sợ hãi hoặc buồn bã….

Những cảm giác này là bình thường  và rất rất nhiều người có cùng tâm trạng với bạn khi phát hiện mình bị tiểu đường. 

Điều bạn cần làm ngay bây giờ đó là hãy cho bản thân mình thời gian nhiều hơn để chăm sóc bản thân và suy nghĩ về việc thay đổi lối sống trong tương lai, đặc biệt là những thay đổi như ăn uống lành mạnh hơn, bắt đầu dùng thuốc mới theo chỉ định của bác sĩ hoặc bắt đầu chương trình tập luyện thể thao, hay tập thể dục.

Bệnh tiểu đường là thứ bệnh bạn sẽ dễ mắc phải trong suốt phần đời còn lại của mình khi bước vào ngưỡng tuổi trung niên và nói một cách dí dỏm, bệnh tiểu đường sẽ diễn ra liên tục mà không hề “nghỉ ngơi” trên cơ thể bạn ngay khi mà bệnh bắt đầu diễn ra. Đây sẽ là một ảnh hưởng lớn đến rất nhiều thứ trong cuộc sống của bạn, vì vậy nếu như bạn có những cảm giác tiêu cực khác nhau về bệnh tiểu đường thì đó cũng là điều bình thường. Dưới đây là một số suy nghĩ và cảm nhận của nhiều người mắc bệnh tiểu đường khi được hỏi về cách chung sống “hoà bình” với căn bệnh này: 

  1. Tại sao lại là tôi? Tôi không muốn mắc bệnh tiểu đường! 

20190330_081248_506171_benh-tieu-duong-tuyp-.max-800x800-1.jpg (52 KB)

Hãy thành thật với bản thân về cảm giác của bạn, hãy tìm người có thể nói chuyện, có thể lắng nghe về cảm xúc của bạn khi biết mình mắc bệnh tiểu đường, cảm xúc của bạn có thể thay đổi hàng ngày và giảm đi sự tiêu cực theo thời gian. 

Khi bạn bị tiểu đường, việc tự chăm sóc bản thân, lên chế độ ăn uống lành mạnh sẽ ngốn khá nhiều thời gian của bạn, bạn sẽ cảm thấy mất cân bằng trong cuộc sống, cảm thấy thất vọng, buồn bã và dễ nổi điên… cứ từ từ thả cảm giác ra nhé, bởi vì những cảm xúc này là phản ứng bình thường. 

Thời gian sẽ giúp bạn bình tĩnh lại!

  1. Tôi thấy mình rất mạnh khỏe cơ mà, tôi không thể mắc bệnh tiểu đường được !

Chính vì luôn cảm thấy khoẻ mạnh nên mọi người có thể không cảm thấy khác biệt hoặc không nhận ra có bất kỳ triệu chứng nào, nên họ khó tin rằng họ bị tiểu đường hoặc cần phải kiểm soát lượng đường của mình. Họ không nghĩ rằng bệnh tiểu đường là một vấn đề nghiêm trọng cho đến khi bị mắc phải. 

Việc quen với suy nghĩ rằng mình mắc bệnh tiểu đường sẽ diễn ra khác nhau ở mỗi người. Sau một thời gian, hầu hết mọi người chấp nhận chẩn đoán và chấp nhận sống chung với tiểu đường. Thời gian đầu, người ta sẽ ước mình không mắc bệnh tiểu đường, nhưng sẽ nhanh chóng thôi, mọi người đều sẽ học cách sống chung với căn bệnh này. Khi đã quen rồi, bạn sẽ dễ dàng biết cách tự chăm sóc bản thân mình hơn.

  1. Tôi cảm thấy như đó là lỗi của tôi!

Mọi người thường nghĩ rằng bệnh tiểu đường là do lỗi của họ. Bạn không làm gì sai cả. Đúng là thay đổi lối sống có thể giúp ích cho bệnh tiểu đường của bạn, nhưng điều đó không có nghĩa là bạn đã biến nó thành hiện thực. Nhiều người không có lối sống lành mạnh và họ không bao giờ mắc bệnh tiểu đường, bởi vì bệnh tiểu đường có tính chất di truyền (có tính chất gia đình).

Thay vì nghĩ rằng bạn đã làm gì đó sai, hãy nghĩ về những gì bạn có thể làm để làm cho mọi thứ tốt hơn, ví dụ hãy ăn những thực phẩm lành mạnh, hãy trở nên năng động và nhớ đều đặn uống thuốc bác sĩ kê đơn cho bạn. Và chắc chắn bạn sẽ có thể giữ sức khỏe và có khả năng kiểm soát bệnh tiểu đường của mình.

Nên đối phó với bệnh tiểu đường như thế nào? 

Học cách chăm sóc bệnh tiểu đường sẽ giúp bạn cảm thấy mình trở nên tốt hơn mỗi ngày. Hãy nhớ rằng, cảm giác của bạn về bệnh tiểu đường là bình thường. Rất nhiều người khác có lẽ cũng chia sẻ cảm xúc như vậy. Cảm xúc tiêu cực hay tích cực đến rồi sẽ đi và thay đổi theo thời gian, mọi người có thể có hai hoặc nhiều cảm giác khác nhau cùng một lúc và qua đó, chúng ta hiểu rằng đôi khi sự thăng trầm có thể hữu ích cho cuộc sống khoẻ mạnh của chúng ta. 

Tìm cách giải quyết cảm xúc tiêu cực của bạn là điều khá quan trọng. Cảm xúc của bạn có thể ảnh hưởng đến hành vi (cách mà bạn hành động) và lượng đường trong máu của bạn. Khi bạn buồn bã hoặc cảm thấy căng thẳng, cơ thể của bạn tạo ra các hormone căng thẳng làm cho lượng đường trong máu của bạn tăng lên và khiến bệnh tiểu đường trở nên khó kiểm soát hơn. Căng thẳng cũng có thể khiến bạn khó khăn hơn khi nghĩ đến việc chăm sóc bản thân, bạn có thể ăn quá nhiều hoặc luôn cảm thấy ăn không đủ, bạn có thể không tập thể dục hoặc tệ hơn nữa, bạn có thể quên uống thuốc.

Tất nhiên, mỗi người đều có cách đối phó với cảm xúc tiêu cực theo những cách khác nhau. Hãy bình tĩnh và tìm kiếm những gì phù hợp với bạn là điều quan trọng nhất. 

Quản lý căng thẳng như thế nào? 

Hãy theo dõi những điều gì khiến bạn cảm thấy căng thẳng, viết ra điều gì khiến bạn cảm thấy như vậy và cách bạn xử lý những cảm xúc đó. Hãy sử dụng những ghi chép đó để ghi nhớ về điều gì khiến bạn cảm thấy tốt hơn. Hãy tránh xa các hoạt động hoặc sự kiện gây căng thẳng, thậm chí tránh giao tiếp với những cá nhân hay gây căng thẳng và tiêu cực với bạn. Mạnh mẽ nói lời từ chối khi mọi thứ trở nên quá sức đối với bạn nếu như có ai nhờ bạn giúp đỡ về việc gì đó. Nếu bạn buộc phải làm những việc đó, hãy đợi cho đến khi bạn cảm thấy sẵn sàng để làm việc đó. 

Đặc biệt, đừng làm việc quá sức hoặc ôm đồm quá nhiều việc hay tham công tiếc việc. Hãy tiết kiệm quỹ thời gian để dành cho bản thân bạn mỗi ngày.

Hãy dành thời gian cho chính mình

Hãy vận động ngay, làm cho cơ thể của bạn phải vận động, hãy tham gia các môn thể thao như đi bộ, bơi lội hoặc thậm chí khiêu vũ hoặc tập yoga, hay chỉ đơn giản là vươn vai hít thở để giúp bạn xử lý căng thẳng và cảm thấy tốt hơn. 

Hãy luôn mỉm cười với chính mình, mỉm cừoi với những người xung quanh… Cười thường xuyên sẽ nhanh chóng giúp bạn thoát khỏi cảm giác tiêu cực. Làm những việc bạn thích, chẳng hạn như đọc sách, nghe nhạc, hoặc nói chuyện gẫu với bạn bè. Hãy cố gắng thư giãn, điều này sẽ giúp bạn lấy lại được cảm giác bình tĩnh hơn. Đơn giản nhất đó là bạn có thể hít thở chậm và sâu vào mỗi khi bạn cảm thấy không ổn. 

Tham gia các nhóm chăm sóc tiểu đường 

Tham gia nhóm, diên đàn hỗ trợ những người mắc bệnh tiểu đường hoặc nhờ bạn bè và gia đình giúp đỡ khi bạn cảm thấy buồn hoặc thất vọng. Hãy nói chuyện với ai đó có thể giúp ích được bạn. Hãy thử nói chuyện với những người bạn quen biết đang bị tiểu đường hoặc những người làm việc với những người bị bệnh tiểu đường. Điều này sẽ tạo nên một hệ thống hỗ trợ của bạn, hãy thường xuyên nói chuyện với người khác và hỏi họ các kinh nghiệm hỗ trợ để giúp bạn kiểm soát bệnh tiểu đường. 

Những người bạn nói chuyện – gia đình và bạn bè cũng là hệ thống hỗ trợ của bạn, họ sẽ ở bên bạn lúc bạn cảm thấy cần được giúp đỡ. 

Bạn sẽ cảm thấy nhẹ nhõm và hữu ích hơn khi nói chuyện với những người cũng  mắc bệnh tiểu đường, hãy lập một nhóm cùng nhau chăm sóc bệnh tiểu đường của các bạn hoặc kết thân với một chuyên gia tư vấn để bạn có thể học cách chung sống “hoà bình” với bệnh tiểu đường của mình và tập quản lý căn bệnh này một cách chủ động.
Khoemai.net chúc bạn sớm lấy lại cảm giác tích cực và vui sống với bệnh tiểu đường (Type II).

(Biên tập từ Health.com

Đánh giá bài viết
1 bầu chọn /trung bình: 5